Người Việt mất hàng tỷ USD vì ‘trà chanh, chém gió’
Mô hình “trà chanh” vô cùng hấp dẫn vì nó quá “hợp gu” với văn hóa đánh nhanh thắng gọn của nhiều người Việt. Nhưng chính tâm lý này đã góp phần san bằng sàn chứng khoán, đóng băng bất động sản.
Thời gian gần đây khắp hang cùng ngõ hẻm đất Sài thành các quán trà chanh, phô mai que, chè khúc bạch mọc lên như nấm sau mưa. Phong trào lên cao đến mức vào Google đánh chữ “trà” sẽ hiện chữ “chanh”, đánh chữ “chanh” sẽ hiện chữ “chém”, đánh chữ “chém” sẽ hiện chữ “gió”.
Khoan bàn đến chuyện được, thua hay thành, bại của “mô hình kinh doanh” này, điều thú vị ở đây là chủ các “doanh nghiệp trà chanh” này hầu như là các bạn trẻ, rất trẻ (8X “đời cuối” hoặc 9X). Nhân hiện tượng xã hội này, chúng ta thấy gì từ lớp “doanh nhân trẻ” của nước nhà.
Từ chuyện “một vốn bốn lời”…
Một ly trà chanh có vốn 1.000 đồng -2.000 đồng, bán được 8.000 đồng. Với số vốn bỏ ra ban đầu khoảng chưa đến chục triệu chỉ cần địa điểm kinh doanh thuận lợi thì có khi chỉ vài tuần là thu hồi vốn. Thu nhập “siêu khủng” này khiến 1 đồn 10, 10 đồn 100, chủ quán kinh doanh “phấn khởi” liên tục mở chi nhánh 2, 3, 4… khiến thị trường “ngập lụt” trong thời gian ngắn.
… đến nền kinh tế “trà chanh”…
Lợi nhuận biên cao, vốn đầu tư thấp, mô hình kinh doanh đơn giản vốn là sự mâu thuẫn mà mọi lý thuyết kinh tế đều phủ nhận. Tuy nhiên, trong những giai đoạn nhất định (thường là rất ngắn) nó vẫn tồn tại trước khi “bàn tay vô hình” sắp xếp lại trật tự vốn có của nó.
Hơn nữa mô hình “trà chanh” vô cùng hấp dẫn vì nó quá “hợp gu” với văn hóa “đánh nhanh thắng gọn”. Những tưởng người ta chỉ cần rửa mặt bằng nước lạnh là tỉnh, thế nhưng hỡi ôi, cơn “sóng thần” san bằng chứng khoán, bất động sản vẫn chưa xóa tan nổi cái ảo giác về sự “vào đúng chỗ, ra đúng lúc”. Họ đã nhận được bài học thích đáng, nhưng lại biên dịch nó sai. Họ vẫn khát khao siêu lợi nhuận với rủi ro thấp bằng cách rút ngắn thời gian đầu tư.
Ở nước ngoài người ta tự hào đưa vào logo dòng chữ “since 18xx” để khẳng định giá trị thì ở nước ta nhìn lại mà bùi ngùi có mấy nhà được như thế? Có chăng tôi vẫn thầm ngưỡng mộ khi bước vào một quán gà hấp muối “since 1949” ở quận 5, đã 3 đời kinh doanh một món ngon “bí truyền”, khiêm tốn trong một con hẻm nhỏ và nội thất rất đỗi bình dân… giá trị bền vững nằm ở những nơi như thế.
… và những doanh nhân “chém gió”
Hỏi mà xem, phần lớn những “doanh nhân” kia đều có chung xuất phát điểm là khách hàng của chính mô hình kinh doanh của chính họ. Hàng tỷ đôla để trả giá cho triệu con người đang “chém gió” ở quán trà chanh, cà phê máy lạnh, quán nhậu bình dân (không phải là cái giá của ly nước, mà là chi phí cơ hội mất đi).
Người ta viện cớ “ra quán bàn công chuyện”, những cái cớ ngớ ngẩn. Những nơi ấy thường sản sinh ra sự lười biếng, bệnh tham nhũng, sự phung phí, thói chộp giật và bắt chước trơ trẽn nhiều hơn là những ý tưởng kinh doanh nghiêm túc. Nhìn ở một góc độ khác, đó cũng là sự hoảng loạn trong suy thoái.
Người ta bàn về phục hồi kinh tế hình chữ V, rồi chữ U… Lạc quan thật. Sự hồi sinh sẽ không đến từ nền kinh tế “trà chanh” và các doanh nhân “chém gió”. Có chăng đây là cuộc đào thải để cho những ai sống sót một cơ hội làm lại từ đầu, và chỉ có làm đúng mới có hy vọng, còn không sẽ là một mô hình kinh tế chữ L nối tiếp nhau.
Doanh thu chỉ ổn định khi lợi thế cạnh tranh không thể bắt chước dễ dàng. Lợi nhuận cao chỉ có trên nền tảng sự sáng tạo và đổi mới không ngừng. GDP chỉ tăng mạnh khi có nhiều hơn người Việt, sống tại nước Việt, làm ra sản phẩm Việt có giá trị kinh tế cao.
ThS.Đỗ Chí Hiếu
* Tác giả Đỗ Chí Hiếu tốt nghiệp Đại học chuyên ngành QTKD-Tài chính Kế toán tại Đại học Macquarie – Sydney, MBA của ĐH Hawaii. Đã từng công tác tại Great Eastern Life Assurance, VinaCapital và hiện nay làm cho Deloitte Vietnam.
>> Xem thêm: Đừng quá ‘tự sướng’ về phẩm chất người Việt