Bệnh khoe nghèo khoe khổ

0

Khoe giàu đã là một loại bệnh rồi, nhưng bây giờ khi vật chất đủ đầy hơn còn sinh ra một loại bệnh nữa là bệnh khoe nghèo khoe khổ. Tất nhiên là cái nghèo từ ngày xưa.

 Khi Christine Hà, người sau này trở thành Vua đầu bếp nước Mỹ bước vào trường quay trong vòng loại của cuộc thi, các giám khảo đã không giấu nổi sự xúc động. Giám khảo Joe Bastianich còn rớm nước mắt. Cô gái mù và món cá kho tộ Việt Nam đã chinh phục cuộc thi ngay từ những phút đầu tiên.

Nhưng đến phần chấm điểm, trước khi đưa ra câu trả lời “Yes/No”, bếp trưởng Graham Elliot (anh chàng béo, nếu bạn đã xem chương trình) đã nhắc Christine Hà một câu rất chân thành: “Ai cũng có câu chuyện của đời mình, cũng có một thứ để phải vượt qua. Tôi sẽ chỉ nhận định trên món ăn này thôi”, rồi ông mới trả lời “Yes” để cô đi vào vòng sau.

Ai cũng có câu chuyện của đời mình. Và trong một cuộc đánh giá công bằng, người ta chỉ nên nhìn nhận những thành tựu anh đã làm được, gạt qua những câu chuyện riêng, bi kịch cá nhân không được tính điểm, các giám khảo MasterChef đã đưa ra tuyên bố rõ ràng về điều ấy ngay từ lần đầu tiên.

 Tiếc rằng việc gắn thêm vào những gì mình làm được ngày hôm nay một cái “đuôi” gồm những bi kịch của quá khứ đã trở thành một thứ mốt phổ biến. 
 
Khoe giàu thì tất nhiên là tạo ra nhiều sự phản cảm. Nhưng chính bởi vì thế, cho nên việc khoe nghèo, khoe khổ lại trở thành một thứ trang sức giá trị. Đại để rằng tôi đã vượt qua được những ngày tháng như thế này, đói lắm, vất vả lắm, hoàn cảnh gia đình không hề hạnh phúc, xã hội đối xử không hề công bằng, bối cảnh kinh tế không hề thuận lợi, và cuộc đời tôi là một thứ não lòng thương tâm. Như thế thì rành rành là cuộc sống của tôi bây giờ đáng tôn trọng hơn người khác.
 
Bi kịch ấy sẽ được sử dụng để cộng điểm trong những cuộc giao tiếp, trong những mối quan hệ kể cả tình ái, đôi khi được lạm dụng trong giáo dục nữa. Nó có cộng điểm được thật hay không thì chưa có nhà tâm lý học nào kiểm chứng nhưng trước mắt cứ phải tìm cách kể đã.
 
Ai cũng có quyền tự hào về những gì mình đã vượt qua. Nhưng cuộc sống thật ra rất phũ phàng và việc đánh giá một con người thường chỉ căn cứ trên những thành tựu anh ta đã làm được thôi. Việc “cộng điểm” bằng quá khứ kiểu này thường chỉ có tác dụng giúp bản thân người kể tự ve vuốt và an ủi bản thân là chính. Và đôi khi khiến họ quên mất việc phải nỗ lực trong hiện tại.
 
Hãy tưởng tượng một đoạn đối thoại như thế này, hơi cường điệu nhưng cũng có thể tưởng tượng được: “Nhà anh có tám anh chị em, cha mẹ làm nông rất nghèo, anh đã rất cố gắng thi đỗ vào đại học và tằn tiện để sống được qua 4 năm và tốt nghiệp” – “Anh thật là người nghị lực, nhưng anh Quang không kể cho em những chuyện này khi đi ăn tối, anh ấy chỉ hỏi thăm gia đình và công việc của em” – “Bởi vì Quang giàu có, em biết không, ngày xưa gia đình anh đói tới mức chỉ có cá rô bắt ngoài đồng để ăn, bây giờ không bao giờ anh ăn nổi cá rô nữa” – “Anh Quang chỉ hỏi em thích ăn gì” – “Bởi vì Quang không phải trải qua những gì anh đã trải qua” – “Anh ấy cũng chẳng kể về việc mình đã trải qua gì anh ạ, chỉ nói về việc tương lai muốn cùng em trải qua thứ gì thôi”.
Đức Hoàng (Docbao.vn)
Bài viết chưa có đánh giá, hãy trở thành người đầu tiên bình chọn 🙂

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *