Home Công tội của Facebook
0

Công tội của Facebook

0

Bài hay trên –

Nếu không có Facebook hay Facebook có “chết” đi thì cũng có một mạng xã hội XYZ gì đó xuất hiện.

Vừa rồi trên truyền hình đưa phóng sự “Chứng nghiện Facebook và những hệ lụy” để “kể tội” mạng xã hội này. Theo đó, “tội” của Facebook – mạng xã hội có hơn 20 triệu người dùng Việt Nam – rất lớn.

Nào là, làm cho giới trẻ nghiện còn hơn nghiện rượu, thuốc lá và thậm chí sex. Nhiều “con nghiện” tách biệt cuộc sống để theo dõi nút like và lời bình luận. Họ đăng status, chụp hình selfie mọi lúc, mọi nơi để được nhận những nút like mà phần đông không mấy thật thà. Đi tìm sự tự tin và chứng tỏ bản thân trên “thế giới ảo” nhưng những bạn trẻ – do thiếu kiểm soát cảm xúc và thiếu kinh nghiệm –  lại dễ rơi vào cảm giác lo âu, trầm cảm, các dấu hiệu tâm lý khác khi bị ném đá, hay có ý kiến ngược chiều về status (trạng thái) hay comment (bình luận) của mình.

Liệt kê ra như trên kể cũng đã bắt trúng bệnh. Nhưng, có thể kể thêm ở đây một số “tội” khác.

Facebook là nơi để các bạn mắc chứng hoang tưởng” chém gió, khoe những điều không có thật; là “bệ phóng” cho các bạn muốn tạo scandal để nổi tiếng nhanh (có thực lực thì kéo dài sự nổi tiếng, không có thực lực thì tắt lịm). Là nơi để người ta vu khống, bôi xấu, “dìm hàng” nhau một cách công khai hay giấu mặt; là nơi để một số người lường gạt người khác về vật chất và tình cảm. Là nơi “chấp cánh” cho một số tình yêu “tội lỗi”; là nơi để nhiều người thể hiện sự giàu có, sự thành công, “đẳng cấp” của mình – và hệ quả là  hoặc là sẽ tạo ra sự “GATO – ghen ăn tức ở” của người khác, hoặc là sẽ tạo ra sự chán nản, yếm thế của những người chưa thành công. Facebook còn là mảnh đất lý tưởng cho sự lây lan của những tư tưởng, trào lưu  “xấu”.

Facebook còn có tội là làm lộ điểm hỏng chết người về văn hóa tranh luận của người Việt Nam.

Lâm Minh Chánh, Facebook, Biil Gate, Việt Nam, xã hội, thuốc lá, bia, rượu

Nhiều người thay vì tranh luận, dùng lý lẽ, bằng chứng, sự kiện để thuyết phục người khác thì lại chuyển qua chửi mắng, tấn công. Đây là “tranh người chứ đâu phải tranh luận”.

Facebook còn là nơi để một số bạn trẻ thể hiện “cái tôi xấu xí”. Nếu như ngoài xã hội khi gặp người lớn tuổi hơn, hay đã thành công, từng trải hơn, bạn trẻ còn e dè, thì trên mạng, vì khác ý kiến hay trong một lúc giận dữ, bốc đồng họ có thể gọi người ấy bằng những đại từ không hề tôn kính. Ngay như Bill Gates còn bị nhiều bạn trẻ phản ứng khi ông post hình mạng điện ở Việt Nam.

Việc nói chuyện trống không là thường ngày ở huyện. Có lẽ Facebook, nơi mà người ta chỉ thấy tên và mặt (có thể giả) nhưng không thấy người – đã giúp một số bạn trẻ  dễ dàng “quăng” đi chữ “lễ” ngàn năm.

Facebook còn có tội lớn khi làm cho một “bộ phận không nhỏ” tưởng rằng mình “ghê lắm” khi có nhiều Friends (bạn), Followers (người theo dõi), nhiều Like cho một status (trạng thái).

Từ “vị thế” này họ suy ra rằng mình có “đẳng cấp”  hay “vị thế xã hội” cao. Tuy nhiên, phải là chính vị thế xã hội, bản lãnh,  khả năng phân tích cuộc sống, chiều sâu suy nghĩ, tài năng viết, chia sẻ của Facebooker (người sử dụng Facebook) mới chính là nhân tố quyết định vị thế của người đó chứ không phải ngược lại.

Facebook nhiều “tội” quá, vậy Facebook có những công gì?

Facebook là một công cụ kết bạn, mở rộng quan hệ và giao tiếp tuyệt vời.

Face giúp ta tìm ra bạn đã không liên lạc nhiều năm. Giúp ta kết nối, nói chuyện với những người bạn ở bất kỳ đâu trên thế giới, giúp ta quen biết với những người bạn mới mà hầu như không có cơ hội để kết bạn trong thế giới “thật”. Facebook còn giúp chúng ta tạo ra những nhóm, CLB hội đoàn mở và đóng.

Rõ ràng, Facebook là một công cụ đắc lực trong việc làm phẳng thế giới, giúp con người vượt qua những khoảng cách về địa lý, hoàn cảnh, thân phận, tuổi tác.

Facebook giúp mỗi chúng ta học hỏi được những điều tốt đẹp, những tư tưởng, suy nghĩ đặc sắc từ nhiều người khác để phát triển bản thân. Facebook giúp chúng ta có thêm sự hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ từ những người bạn mà chúng ta chưa chắc tìm được trong thế giới bạn bè hiện hữu.

Facebook là một công cụ tuyệt vời để chúng ta thể hiện, chia sẻ suy nghĩ của mình. Đây là nhu cầu cơ bản của tất cả mọi người. Tùy theo tính cách, trải nghiệm, bản lĩnh, vị thế và tính liên quan của câu chuyện mà mức độ chia sẻ của mỗi chúng ta có khác nhau. Có người muốn chia sẻ, thể hiện với “cả thế giới”, có người muốn chia sẽ với tất cả bạn bè, có người chỉ muốn chia sẻ với những bạn thân hay bạn trong nhóm cụ thể nào đó, có người chỉ muốn chia sẻ với 1,2 người cụ thể nào đó. Mức độ nào Facebook cũng đáp ứng được.

Facebook còn giúp ta “đọc” được người khác, hiểu hơn về tình cảm của bạn bè với mình. Nếu quan sát kỹ cách người khác viết status, đăng hình, cách họ comment (viết bình luận), cách và tần suất họ like status (trạng thái) sẽ cảm nhận được phần nào mức độ tình cảm, tình bạn của họ đối với mình.

Facebook còn là một công cụ tốt giúp tiếp thị sản phẩm, dịch vụ hay xây dựng thương hiệu cá nhân. Nếu có một sản phẩm độc đáo, khác biệt và biết cơ bản về marketing, chúng ta có thể tiếp thị hay bán hàng rất hiệu quả trên Face. Bản thân tôi đã dùng Face để quảng bá và bán cuốn sách “Tăng tốc đến thành công”. Trong 45 ngày, số sách tôi tự bán qua Face là 500 cuốn, nhiều hơn số tôi bán trong các hội thảo doanh nhân, và bằng 1-4 số sách bán bởi hệ thống cửa hàng sách  offline và online  trên toàn quốc.

Rõ là Facebook có công nhiều hơn tội khi giúp ta kết nối bạn bè muôn phương, chia sẻ ý nghĩ, bán hàng, giúp tôi phát triển cá nhân và hiểu hơn bạn bè …

Nhưng Facebook cũng lấy của tôi quá nhiều thời gian. Trung bình một ngày tôi mất 3-4 giờ cho Facebook. Có vẻ như vậy cũng ngốn mất quá nhiều thời gian.

Công cụ gì cũng có hai mặt, vấn đề là người dùng. Vì nếu không có Facebook hay Facebook có “chết” đi thì cũng có một mạng xã hội XYZ gì đó xuất hiện. Chúng ta không thể và cũng không nên tránh né mà  phải đối diện với nó và dùng nó để làm tốt đẹp hơn cho cuộc sống của mình và của những người khác.

 

  • Lâm Minh Chánh
Bài viết chưa có đánh giá, hãy trở thành người đầu tiên bình chọn 🙂

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *