Home Sở thích Thấy hay là share Nếu không có ước mơ, bạn chỉ có thể làm thuê cho ước mơ người khác

Nếu không có ước mơ, bạn chỉ có thể làm thuê cho ước mơ người khác

0

Tiểu mục Đọc báo hôm nay giới thiệu bài viết trên Báo giáo dục điện tử – thuộc chủ đề “Vì khát vọng Việt” – Tên chủ đề là ý kiến của người viết dành cho một bài thể hiện quan điểm trước đó. Giangdt.com chọn đăng bài viết này vì tính chất định hướng của nó. 🙂  Nếu có thời gian, bạn có thể đọc bài này..

***

(GDVN) – Cái “đạo” đầu tiên của người trẻ là phải biết tự thân vận động, “tự dùng mình”, tự mình xây dựng nên những ước mơ của bản thân chứ không thể ngồi ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của người khác. Nên nhớ rằng: “Nếu bạn không tự xây dựng ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ cho họ”.

LTS: Bài viết Sự thiếu tin tưởng là “nhát dao” cứa vào ước mơ của giới trẻ của bạn đọc Huyền Trân tiếp tục nhận được nhiều phản hồi gay gắt từ độc giả. Theo ý kiến của bạn Phục Long (Hà Nội): “Nếu bạn không tự xây dựng ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ cho họ”.

Cách đây không lâu, dư luận xôn xao khi báo chí đưa tin chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa đã có tới 25.000 cử nhân thất nghiệp. Người ta đã đặt một dấu hỏi lớn về nguyên nhân của tình trạng này và dễ dàng, không ít người đổ lỗi cho cơ chế xin việc khắt khe, cho kinh tế khủng hoảng, cho đào tạo nhân lực ồ ạt, kém chất lượng, cho quản lý yếu kém của các cơ quan Nhà nước… Nhưng, xét tới cùng phải thấy rằng, nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ chính những người trẻ.

Bạn là một người trẻ, bạn có học vấn, có tài năng, có bản lĩnh, có khát vọng, vậy tại sao bạn không tự lập nghiệp, tự đi trên đôi chân của mình mà cứ phải ngồi trông chờ vào người khác? Bạn tự hào khi nói rằng thế hệ trẻ Việt Nam không vô cảm, không hèn nhát, “dám phá tung những khuôn khổ cứng nhắc không còn phù hợp với thời đại” vậy tại sao bạn lại chịu trói buộc mình trong những điều kiện ngặt nghèo của hoàn cảnh?

Ảnh minh họa.

Bạn lại nói rằng việc tự lập trong xã hội ngày nay là rất khó, nhất là đối với những người không có tiền, không có quan hệ. Nhưng xin thưa rằng trên đời việc gì cũng có cách giải quyết của nó, như đã là tường thì phải có “lỗ thủng”. Hơn nữa, việc tự lập nghiệp không phải là chuyện không có tiền lệ, nhất là khi sức sản xuất đang được “bung ra” mạnh mẽ như ngày nay. Bạn không thử làm sao biết được mình không có khả năng? Và phải chăng, đây là biểu hiện của tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám thành công và cũng dám thất bại” như thế hệ bạn từng tuyên bố?

Cho nên bạn phải biết rằng, cái “đạo” đầu tiên của người trẻ là phải biết tự thân vận động, “tự dùng mình”, tự mình xây dựng nên những ước mơ của bản thân chứ không thể ngồi ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của người khác. Nên nhớ rằng: “Nếu bạn không tự xây dựng ước mơ của mình, người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ cho họ”.

Đối với những người trẻ không thể tự mình xây dựng ước mơ cho mình, phải đem thân đi làm thuê cho người thì phải hiểu cái “đạo” thứ hai của mình là phải biết tự tỏa sáng. Nếu không biết tự tỏa sáng thì bạn sẽ bị chìm khuất, không có cơ hội để thăng tiến trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Có người ví nhân tài như những vì sao, có ngôi sao rất sáng nhưng có ngôi chỉ sáng lờ mờ, sáng hay mờ không phải do sao mà do mắt người nhìn! Cho nên để được in dấu trong mắt người nhìn, việc tỏa sáng bản thân là một điều vô cùng cần thiết, cũng như người ta chỉ biết đến N.Amstrong là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng mà không nhớ đến người thứ hai vậy.

Tác giả Huyền Trân trong bài viết Sự thiếu tin tưởng là “nhát dao” cứa vào ước mơ của giới trẻ đòi hỏi thế hệ trước phải tin tưởng vào thế hệ sau, nhưng bạn quên mất rằng bạn lấy cái gì có thể khiến người trước tin vào người sau, khi mà họ thừa hiểu “Trường Giang cuồn cuộn sóng sau xô sóng trước” không chỉ xô về tài năng, nhiệt huyết mà còn xô cả cái ghế của họ nữa. Cho nên người trẻ muốn đắc dụng trong những môi trường như thế này không có cách gì khác là phải biết lựa thời mà tiến, lựa thế mà lui.

Bạn phải hiểu rằng không ai quan tâm đến lòng tự trọng và sự kiêu ngạo bản thân của bạn. Bởi bạn không phải là duy nhất như bạn vẫn tưởng, ngoài kia vẫn có đầy người sẵn sàng đánh bật bạn ra khỏi vị trí đó để thế chân.

Cho nên cái “đạo” thứ ba của người trẻ là phải nắm được thế chủ động trong mọi chuyện và thể hiện sự khôn khéo trong ứng xử, phải hiểu thời thế, rõ bụng người thì mới mong đắc thắng.

Ba “đạo” của người trẻ trên đây chắc hẳn còn chưa đầy đủ vì đường đời trăm lối, vạn nẻo suy tư, song thiết tưởng đó cũng có thể xem như một vài ý kiến trao đổi theo tinh thần “nghĩ mở nói thẳng” nhằm làm cho thế hệ trẻ ngày càng vững bước trên đường đời.

 Phục Long – bài đăng trên Báo giáo dục

Xem bài khác trên báo giáo dục:

Giangliao Says – Bài viết này là một bài thể hiện quan điểm, khi đọc báo, chúng ta hay coi đó là một nguồn tham khảo cho cuộc sống của mình ..

Bài viết chưa có đánh giá, hãy trở thành người đầu tiên bình chọn 🙂

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *