Anh hùng bàn phím

0
Tối thứ sáu giở báo mạng và đọc được bài viết tâm đắc trên vnexpress của tác giả Khắc Giang (cùng tên :)) ) .. Đáng nghĩ, đáng đọc.
***
Vào năm ngoái, UNICEF chi nhánh Thụy Điển đưa ra một thông điệp truyền thông khá khác thường: “hãy like chúng tôi trên Facebook, và không đứa trẻ nào được tiêm văcxin phòng bại liệt”.

“Likes không cứu mạng trẻ em. Chỉ có sự trợ giúp về vật chất mới làm được điều đó,” đại diện của UNICEF sau đó giải thích. Họ kêu gọi mọi người ủng hộ bằng tiền thay vì “likes”.

Khi thế giới chuyển dần sang online, những kiểu “đấu tranh” cho các mục tiêu tốt đẹp bằng likes và comment như vậy trở nên phổ biến hơn.

Các học giả truyền thông gọi hiện tượng đó là “slacktivism/clicktivism”, nghĩa là việc thể hiện thái độ bằng các hành vi trên mạng thay vì hành động ngoài đời thực. Ngôn từ Việt Nam hóa chúng ta hay gọi là “anh hùng bàn phím”.

Nhìn chung, có thể chia ra hai loại “anh hùng bàn phím” cơ bản.

Ở dạng thứ nhất, người dùng Internet cảm thấy đã hành động đủ để giúp ích cho cộng đồng chỉ bằng một cái click chuột. Chúng ta thấy hài lòng khi đã “like” fanpage của một chiến dịch xóa đói giảm nghèo, ký tên trong các cuộc vận động (petition) trực tuyến, hay comment bày tỏ sự cảm thông trước một mất mát nào đó.

Chúng ta nghĩ đã làm được một điều tốt, bỏ qua chủ đề vừa mới làm mình sôi máu trong ít phút, và đi tìm thú vui khác trên mạng. Nhưng thực tế là thế giới không thay đổi bằng “likes”.  Mười triệu “likes” cũng không giúp Toàn Shinoda sống lại hay xóa bỏ bệnh AIDS.

Sự vô danh, vô thưởng, vô phạt của mạng Internet cũng dẫn đến một loại “anh hùng bàn phím” thứ hai, mà có lẽ phổ biến ở nước ta hơn, là những người sử dụng diễn đàn trực tuyến để thỏa mãn cái tôi cá nhân thay vì đóng góp vào chủ đề tranh luận. Nó xuất hiện ở nhiều dạng thức khác nhau: từ những phê phán, đả kích cá nhân, đến những lời bông đùa ác ý, và cả những bịa đặt không rõ chủ đích.

Hai vụ việc gần đây có liên quan đến “anh hùng bàn phím” là tin đồn dịch Ebola xuất hiện tại Việt Nam và thông tin cho rằng nhóm phượt Phong Vân lợi dụng vụ tai nạn xe khách ở Lào Cai, mà họ đã tham gia cứu hộ, để “làm hàng”.

Nhà chức trách đã xử lý những người tung tin đồn Ebola, còn ở sự kiện thứ hai, tôi không có đủ thông tin để phán xét. Tuy nhiên, mỗi người có thể tự đưa ra kết luận cho mình từ thông tin của những người tham gia cứu hộ, báo chí, cơ quan chức năng, và cả từ lời khen của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

***

Tôi luôn coi trọng phản biện và thông tin đa chiều, bởi một xã hội không có tương tác giữa các quan điểm khác biệt thì không thể phát triển.  Tuy vậy, tranh luận cần phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng người khác, sử dụng chứng cứ và lý lẽ nhằm tìm ra sự thật và chân lý. Tranh luận để phục vụ cho bất kỳ mục đích nào khác đều không nên khuyến khích.

Không phải chỉ đến bây giờ những kiểu “anh hùng” như trên mới xuất hiện. Đó là một hiện tượng xã hội mà có lẽ thời kỳ nào cũng có: người ta cũng đã từng kèn cựa nhau ở sau lũy tre làng hay trong khu nhà tập thể thời bao cấp.

Nhưng Internet đã cung cấp những công cụ hoàn hảo để nâng tầm ảnh hưởng của hiện tượng này lên phạm vi lớn hơn nhiều. Sự dễ dàng phát tán và tốc độ lan truyền chóng mặt của nó có thể đưa thông tin đến với hàng triệu người dùng internet trong nháy mắt.

Tác hại cũng khôn lường hơn: một tin đồn về vắc-xin có thể khiến cả chương trình tiêm chủng quốc gia thất bại. Có những người bị trầm cảm, và đôi khi tìm đến cái chết, chỉ vì bị tấn công bằng ngôn từ quá khích trên mạng. Nhiều quốc gia, như Mỹ và Australia, đã liệt một số hành vi kiểu “anh hùng bàn phím” vào tội hình sự (cyberstalking – quấy rối qua mạng).

Tất nhiên, luật dù có chặt chẽ đến đâu thì đều có kẽ hở, đặc biệt là các quy định liên quan đến một không gian vô tận như thế giới ảo. Suy cho cùng, việc “sống tử tế” trên mạng phụ thuộc phần lớn vào thái độ của mỗi người.

Erik Qualman, một chuyên gia về mạng xã hội người Mỹ, từng chia sẻ với tôi rằng ở thời đại này “di sản” để lại sau khi chúng ta trở về cát bụi sẽ không phải là bao nhiêu ngôi nhà, bao nhiêu tiền của, mà là cái tên mình ra sao khi search trên Google.

Chúng ta muốn để lại di sản gì trên mạng internet? Trả lời xong câu hỏi đó, có lẽ mỗi người sẽ tự muốn uốn tay bảy lần trước khi gõ phím.

Giangliao dẫn bài.

Bài viết chưa có đánh giá, hãy trở thành người đầu tiên bình chọn 🙂

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *